- +84 982 014 139
- vietadevi99@gmail.com
- Giỏ hàng
Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã rót hàng chục tỷ USD để xây dựng nhà máy, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động và đóng góp lớn vào kinh tế Việt Nam.
Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992 và nhanh chóng trở thành đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Tính đến tháng 4 năm nay, tổng vốn đầu tư các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 81,52 tỷ USD, với hơn 9.600 dự án. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư Hàn Quốc tập trung đầu tư nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, bất động sản và xây dựng.
Samsung: 20 tỷ USD
Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất ở Việt Nam. Tập đoàn này đang vận hành 6 nhà máy tại 3 tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TPHCM và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội với tổng giá trị đầu tư lên tới 20 tỷ USD.
Tháng 3/2008, nhà máy Samsung Electronics Việt Nam được thành lập tại Bắc Ninh với mức đầu tư ban đầu 670 triệu USD. Những năm sau đó, Samsung tiếp tục xây dựng thêm hai nhà máy là Samsung SDI Việt Nam (2009) và Samsung Display Vietnam (2014) với số vốn lên đến 2,5 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với vốn đầu tư ban đầu.
Sau 15 năm, tổng số vốn đầu tư của tập đoàn Hàn Quốc này vào các nhà máy ở Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh đã tăng lên hơn 9,3 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam.
Tiếp đó, tháng 3/2013, Samsung khởi công nhà máy tại Thái Nguyên với tổng vốn đăng ký ban đầu là 2 tỷ USD. Đến nay, số vốn đầu tư của Samsung cho các dự án tại Thái Nguyên đạt khoảng 7,5 tỷ USD, chiếm gần 73% tổng số vốn đầu tư FDI toàn tỉnh.
Trong năm 2022, báo cáo tài chính cho thấy tập đoàn này đạt doanh thu hơn 234 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng 39%, đạt trên 43 tỷ USD. Trong đó, 4 nhà máy tại Việt Nam đóng góp khoảng 30% vào tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Năm ngoái, Samsung Thái Nguyên tiếp tục là nhà máy có doanh thu cao nhất ở Việt Nam của ông lớn Hàn Quốc với gần 28 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021 và lợi nhuận cũng tăng 18% lên gần 2,1 tỷ USD.
LG: 8,2 tỷ USD
Bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1995, đến nay, LG đã đầu tư 5,3 tỷ USD vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như sản xuất máy ảnh, điện tử, điện gia dụng, thiết bị ô tô. Hiện LG có 27.000 nhân viên, công nhân Việt Nam làm việc trực tiếp trong các nhà máy LG tại Việt Nam và các công ty thành viên có tới 70.000 lao động Việt Nam.
LG khởi đầu với một nhà máy tại Hưng Yên, nhưng sau nhiều năm mở rộng đầu tư, Hải Phòng mới được xem là "cứ điểm" tại Việt Nam của tập đoàn này. Hiện nay, LG đã đầu tư vào Hải Phòng khoảng 8,24 tỷ USD, bao gồm 7 dự án với tổng vốn đầu tư 7,24 tỷ USD và 50 doanh nghiệp vệ tinh với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Năm 2022, các doanh nghiệp của LG xuất khẩu 12,4 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng. Các doanh nghiệp tạo việc làm cho gần 40.000 lao động trong và ngoài thành phố.
Hyosung: 3,5 tỷ USD
Không quá nổi bật như Samsung hay LG, nhưng Hyosung cũng là một gã khổng lồ công nghiệp của Hàn Quốc. Tập đoàn này được thành lập vào năm 1966, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp hóa chất, máy móc công nghiệp, công nghệ thông tin, thương mại và xây dựng.
Các sản phẩm chính của doanh nghiệp thường là nguyên liệu sản xuất phục vụ các nhà sản xuất lớn như Michellin, Adidas, Nike, Puma...
Hyosung đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, với nhà máy sản xuất Tire Cord đầu tiên tại Đồng Nai. Tiếp đó, Hyosung đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam và liên tục xây dựng thêm các nhà máy mới như Spandex (2008), Steel Cord (2010), Technical Yarn (2012)…
Đến nay, tập đoàn hiện diện ở khắp 3 miền với hàng loạt dự án tại Vũng Tàu, Quảng Nam và Bắc Ninh. Số vốn đầu tư của Hyosung đã lên đến 3,5 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực như may mặc, cơ sở công nghiệp, tạo việc làm cho 10.000 lao động tại Việt Nam.