- +84 982 014 139
- vietadevi99@gmail.com
- Giỏ hàng
Những dề lục bình vẫn theo nước lũ xuôi xuống miền Tây, nhưng bên dưới không còn lềnh (nhiều) cá như xưa. Nước ít, lũ ngắn, cá mú cũng cạn kiệt. Những làng nghề mưu sinh mùa nước buồn hiu...
"Cá yếu lắm!"
Thở dài, ông mang số cá ít ỏi lên bờ, rồi hắt nguyên thau xuống kênh Tân Hóa nối từ xóm Lăng Xăng, ấp Dinh Bà vào trung tâm xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. "Thôi thì phóng sinh, để kênh rạch vài bữa còn có cá" - ông gượng cười.
Ông Út Sinh tên thật là Nguyễn Văn Sinh, mấy đời ở xóm Lăng Xăng này. "Người ta gọi Lăng Xăng vì đây là thượng nguồn, vựa cá lớn của biên giới Đồng Tháp, nên bà con khắp nơi về đây bám trụ mần cá" - ông vừa kể vừa thu dọn đồ đạc. 70 tuổi, tay chân ông chi chít sẹo của một thời bắt cá nhiều lềnh đồng.
"Chưa bận lũ nào thấy cá yếu (ít) như vầy" - ông Út Sinh vừa châm trà vừa chép miệng. Sau nhà, sông Sở Hạ vẫn lấy nước dòng Mekong từ thị xã Hồng Ngự. Nhưng dưới lòng nước ấy, mọi chuyện đã khác trước. Từ đời nội ông Út Sinh đã ở bờ sông này. Vừa chớm lớn, ông đã như con rái cá mê mẩn theo dòng nước. Vựa cá trời đất ưu đãi đủ hấp dẫn một thời trai trẻ của ông.
"Trời ơi, tui mê con cá dữ lắm! Cá lóc, cá leo to bằng bắp đùi, ẵm nó quẫy trên tay sướng dữ lắm! Bận xưa ngay sau nhà tui nè, cá quẫy ăn lộp độp chộn rộn cả đêm. Ai không quen, dìa đây không ngủ nổi" - ông Út Sinh hồi tưởng.
"Hồi xưa" ông Út Sinh nói là tầm khoảng 30 năm trước. Mỗi mùa lũ về, cá nhiều đến mức dân ở đây chỉ tập trung đóng đáy gom cá đổ thúng, chứ không thèm đặt dớn, đặt lợp, cắm câu.
Bận đó, họ giăng đáy mùa lũ phải làm hai đuôi đú, một đuôi đú xả để cá ra bớt nếu không lượng cá nhiều ồ ạt sẽ làm rách lưới đáy. Đuôi đú còn lại phải gần chục người thay nhau dỡ đổ vào thúng liên tục mới kịp. "Hồi xưa" cá linh nhiều đến mức bơi ào ào khiến dòng lũ trên sông cứ như đặc lại.
Mà đâu chỉ mùa lũ, cá nhiều lềnh sông cũng đủ nuôi sống dân làm nghề quanh năm. Chính ông Út Sinh bận đó cũng thả chà (cành cây) xuống sông để dụ cá vào.
Chỉ khoảng tháng rưỡi, ông đã hò cả xóm đến dỡ bán không kịp, cho cũng không hết. "Mới cách đây ít năm, mỗi lần tui dỡ chà sông cũng còn khá bộn. Giờ, cá yếu lắm!" - giọng ông chùng lại, buồn man mác khi nói chuyện thực tại...
"Cá yếu lắm!" là câu trả lời trùng lặp của những người đang trên ghe xuồng làm cá mà tôi gặp khi đi dọc biên giới Long An qua Đồng Tháp về An Giang.
"Cá yếu lắm!" cũng là câu anh Nguyễn Văn Giàu nói như phân trần trước ánh đèn pin bạn hàng rọi vào ghe anh cập bờ dưới chân cầu Tha La lúc 3h30 sáng. Suốt bao năm, phiên chợ họp từ giữa đêm tới rạng sáng dưới chân cầu Tha La gần thành phố Châu Đốc, An Giang luôn là nơi luân chuyển cá đồng lớn có tiếng khu này.
Hồi còn nhiều cá, cứ khoảng hơn 2h sáng, dưới kênh đã lớp lớp ghe xuồng đổ về, chở theo bao nhiêu là sản vật mùa lũ từ các đồng nước khắp biên viễn An Giang. Đêm nay, tôi ghé chợ, các tiểu thương phải đội áo mưa lụp xụp ướt đến 3h30 mới thấy ghe anh Giàu đến.
17 dớn khổng lồ đặt xuôi đồng nước theo kênh Trà Sư, Tịnh Biên của vợ chồng anh Giàu suốt đêm thâu chỉ được 4kg cá linh, vài ký cá mành, vài ký cá chép, cá leo cỡ bàn tay và cá bột làm thức ăn nuôi cá.
Chỉ cá linh được giá bán tại ghe 70.000 đồng/kg, còn cá bột chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Đó là anh Giàu rành rẽ nghề cá như lòng bàn tay, quy mô dớn của anh đầu tư cũng đủ... bao cả cánh đồng.
Bán chưa được 1 triệu bạc tiền cá, anh Giàu hối hả về để kịp sạ lúa mướn, kiếm thêm 200.000 đồng cho gia đình. "Tới mùa nước thì ráng mần cá thêm ban đêm, kiếm chút tiền. Chứ quanh năm chỉ gieo sạ mướn vậy thôi hà" - anh Giàu tâm sự.
Sau ghe anh Giàu, chợ cá khuya nổi tiếng mùa lũ đêm tôi ghé có chưa đến 10 ghe xuồng chở cá về. "Cá ngày càng yếu, mà bạc bỏ ra thì bộn. Đặt dớn ít thì không đủ cá bán, mà sắm khoảng chục cái dớn và ghe làm cá cũng phải hơn trăm triệu bạc. Mùa lũ yếu cá như vầy không thể nào hồi vốn. Người ta bỏ mần cá dần" - anh Giàu kể.
Mới những mùa lũ gần đây, mỗi đêm chợ cá dưới chân cầu Tha La phải luân chuyển ít nhất 4-5 tấn cá đồng, thì như đêm nay chưa được 1 tấn cá qua chợ. Nếu không tính cá bột rẻ tiền, chỉ có chưa đến 100kg cá đồng các loại để đưa về cho dân thị thành đang khao khát "đặc sản mùa lũ".
Đổi nghề, bỏ xứ, xóm cá vắng tanh...
Anh Giàu chỉ mới 32 tuổi, là người làm cá trẻ hiếm hoi mà tôi gặp trên cung đường biên giới mùa lũ. Lớp trẻ miền Tây giờ không mấy ai mặn mà nghề cá nữa.
Nhà ông Út Sinh ba đời làm cá, nhưng đến đời con ông thì không ai theo tía má. "Tụi trẻ xóm này giờ đi Sài Gòn, Bình Dương làm công nhân. Ngay mùa lũ còn không có cá thì trong năm lấy cá đâu ra mà mần" - ông Út Sinh chùng giọng.
Cái xóm Lăng Xăng vốn thành tên gọi do dân tứ xứ tụ về thượng nguồn mưu sinh nghề cá, thì nay rất hiếm người còn giống lão ngư 70 tuổi này làm cá kiếm sống. Những nhà khác đến mùa lũ chỉ đặt vài ba cái dớn cũ như để khỏi uổng con nước tràn đồng...
Ngược biên giới theo dòng Sở Hạ, tôi định ghé thăm nhà anh Nguyễn Minh Trí ở xóm làm cá thượng nguồn sông Sở Hạ (ấp Bà Lý, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp).
Những năm trước, anh Trí nổi tiếng vì đã nghĩ ra cách rải thính dụ cá đồng theo nước lũ tràn vào các ao rồi đắp đập lại nuôi tự nhiên. Khi con cá đồng tăng trọng lượng thì bán kiếm lời. Nhưng nay mô hình này phải bỏ, anh Trí cũng bỏ nhà đi biệt.
"Bận rày cá mú còn mấy để rải thính dụ nữa. Tui và anh em trong xóm gom hơn 400 triệu đồng, bao lô được cánh đồng lụt rộng hơn 2.000ha bên Campuchia để làm cá cho hết con nước. Chứ giờ bên mình kiệt hết cá rồi" - giọng anh Trí qua điện thoại nghe buồn buồn. Gió chiều hoang lạnh thổi qua đồng nước vắng tanh...