- +84 982 014 139
- vietadevi99@gmail.com
- Giỏ hàng
Các nhà máy điện mặt trời tại các điểm “nóng” về năng lượng tái tạo như Ninh Thuận, Bình Thuận đồng loạt phát điện trong khi công suất đường dây không đáp ứng đã gây quá tải lưới điện tại khu vực này.
Các dự án năng lượng tái tạo tại Bình Thuận thời gian qua phải giảm công suất để đảm bảo an toàn lưới điện
Nhiều nhà máy năng lượng tái tạo, kể cả điện mặt trời lẫn điện gió buộc phải giảm công suất để đảm bảo việc điều độ và dự kiến việc giảm tải này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Điện gió, điện mặt trời đều giảm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Văn Thịnh – chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận – cho biết đơn vị này vừa gửi đơn kiến nghị đến Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực VN liên quan đến việc các nhà máy điện gió tại tỉnh Bình Thuận bị cắt giảm công suất khi đường dây quá tải, trái với thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán điện (PPA) được ký giữa các dự án này với ngành điện trước đó.
Thậm chí, ông Thịnh còn đặt vấn đề làm rõ trách nhiệm và đòi bồi thường nếu các dự án điện gió trên địa bàn tiếp tục bị cắt giảm công suất. Lý giải về nguyên nhân, ông Thịnh cho rằng các dự án điện mặt trời tập trung tại một số tỉnh tiềm năng nhưng lại thiếu đồng bộ giữa quy hoạch và triển khai các dự án nguồn, lưới đã gây quá tải nghiêm trọng cho lưới điện khu vực.
Điển hình là đường dây 100kW Phan Rí – Ninh Phước với công suất đường dây chỉ khoảng 100 MW, trước đó đã có 2 dự án điện gió đấu nối nhưng thời gian vừa qua đã có thêm 10 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất khoảng 400 MW.
Do đó, ông Thịnh cho biết trong tháng 6 vừa qua, cơ quan điều độ hệ thống điện đã yêu cầu các dự án trên lưới giảm tải, tỉ lệ giảm tải từ 38-65% công suất thiết kế, không phân biệt dự án điện gió hay mặt trời. Điều này, theo ông Thịnh là thiệt hại cho nhà đầu tư và lãng phí cho xã hội khi công suất phát ra không giải tỏa được
Ông Đỗ Minh Kính - giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận - cho biết có việc giảm tải các dự án điện mặt trời, điện gió ở Bình Thuận nhưng không phải nơi nào cũng giảm tải như nhau mà phụ thuộc vào từng thời điểm, khu vực và sự điều độ của ngành điện để đảm bảo an toàn lưới.
Tương tự, ông Đạo Văn Rớt - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận - cũng cho hay nhiều dự án điện mặt trời vận hành cùng lúc sẽ làm quá tải hệ thống lưới điện, có thể gây mất ổn định hệ thống điện, gây sụt áp, rã lưới... Điều này buộc các dự án phải giảm phát, tuân thủ theo sự điều độ của ngành điện.
Theo ông Rớt, 11 công trình lưới điện đầu tư mới đã được Chính phủ bổ sung vào danh mục lưới điện truyền tải đấu nối các dự án điện mặt trời đều dự kiến triển khai sau năm 2020 nên khả năng giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Lưới điện quá tải
Việc quá tải đường dây truyền tải khi các dự án đồng loạt nối lưới đã được ngành điện cảnh báo từ 11-2018 khi các dự án điện gió, điện mặt trời cùng tập trung một số khu vực phát triển "nóng" trong khi lưới điện chưa phát triển tương ứng.
Ông Nguyễn Đức Cường - giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) - cho biết dù không muốn nhưng phía điều độ buộc phải giảm tải của tất cả các nhà máy để đảm bảo an toàn lưới điện và an ninh hệ thống điện theo yêu cầu về kỹ thuật. Thực tế, nhiều nhà máy đồng loạt đấu nối vào đường dây truyền tải đã gây ra quá tải đường dây, buộc đơn vị này phải điều chỉnh kịp thời để không xảy ra sự cố.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, nhiều dự án điện mặt trời cùng nối lưới trước 30-6 đã khiến đường dây truyền tải quá tải ở các thời điểm điện mặt trời phát tối đa công suất nên ngành điện phải điều độ để đảm bảo an toàn lưới. Trong ảnh: một dự án điện mặt trời mới đưa vào hoạt động tại Bình Thuận .
Theo ông Cường, hiện nay việc điều độ sẽ do máy móc chạy tự động và giảm công suất đều trên tất cả các nhà máy dựa vào khả năng phát điện thực tế tại thời điểm đó. Với chu kỳ 8 giây, hệ thống sẽ cập nhật và ra tín hiệu điều khiển, khống chế nguồn phát dựa trên lượng nắng, lượng gió ở từng nhà máy để đảm khai thác tối đa công suất nhưng không vượt ngưỡng truyền tải của đường dây.
Riêng về kiến nghị của Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, ông Cường cho biết việc cắt giảm công suất với điện gió chỉ diễn ra vào thời điểm các nhà máy điện mặt trời phát điện với công suất tối đa, còn về đêm thì điện gió vẫn "một mình một chợ".
Thời gian tới, ông Cường cho rằng các nhà máy vẫn phải tiếp tục giảm công suất và việc kéo dài này phụ thuộc vào tiến độ cải tạo, nâng cấp và bổ sung các công trình truyền tải điện mới.
Theo đại diện Sở Công thương các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, các tỉnh này đã có kiến nghị đến Bộ Công thương xem xét điều chỉnh tiến độ đầu tư, xây mới, cải tạo hoặc nâng cấp các đường dây truyền tải và trạm biến áp 500kV, 220kV, 110kV trước năm 2020 để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió.